Ngày 29/6/2018, Phó Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Lê Thị Ánh Tuyết cho
biết, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhà nông cân nhắc trước khi
trồng các giống điều mới chưa được công nhận. Hiện nay, vào thời điểm
đầu mùa mưa nên nhiều hộ dân đang khẩn trương đầu tư vốn tái canh vườn
điều bằng nhiều giống khác nhau; trong đó có giống AB29 và AB05-08 chưa
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận trong danh mục
giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh nhưng bán cháy hàng.
Hai giống cây điều AB29 và AB05-08 đang
được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử. Về
năng suất và tỷ lệ nhân thu hồi hai giống này chỉ ở mức khá. Chất
lượng, mùi vị không thơm ngon bằng so với những giống điều truyền thống
ở Bình Phước. Do đó, nếu trồng đại trà sẽ làm ảnh hưởng tới uy tín,
chất lượng hạt điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tỉnh khuyến cáo người nông dân cần tiếp tục trồng các loại
giống điều đã được công nhận như: PN1, MH54, MH45, ĐP41và PN18 cho phù
hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương.
Theo thống kê năm 2018, trên địa bàn
tỉnh Bình Phước có trên 2.400 ha vườn điều cho năng suất cần được tái
canh; trong đó nhu cầu lớn nhất là huyện Bù Đăng cần tái canh trên
1.000 ha, Bù Gia Mập hơn 900 ha. Trong hai năm trở lại đây, trước tình
trạng sâu bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cây điều trồng bằng hạt đã già
cỗi không đạt năng suất cao hoặc chết dần do sâu đục thân “tấn công”
nên bà con nông dân phải tìm giống mới năng suất hơn trồng dặm lại.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh do nhu cầu
lớn của người dân nên ngoài những giống điều chủ lực được các doanh
nghiệp, cơ sở tập trung sản xuất thì vẫn sản xuất thêm hai giống AB29
và AB05-08. Trước việc giống này “sốt” nên xuất hiện một số cơ sở trong
tỉnh đã lợi dụng nhu cầu của người dân để mua chồi về ghép bán với giá
cao hơn so với giá thị trường từ 2.000 đến 3.000 đồng/cây. Còn theo
các hộ dân đã trồng cho biết thì hai giống này hạt to, thu hoạch sớm,
hơn 1 năm bói và ra trái nhiều so với các giống trước đây.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn cho biết, hiện Sở đang tiến hành tổ chức giám sát theo
dõi quá trình sinh trưởng và sâu bệnh trên các vườn trồng thử nghiệm
giống AB29 và AB05-08 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều
(Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) sản xuất; tổ chức khảo
sát đánh giá và báo cáo về chất lượng gồm tiêu chí như tỷ lệ thu hồi
nhân, mùi vị, độ béo và khả năng lưu kho của hai giống điều này. Đồng
thời, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ
đạo đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu hai giống điều này, sớm có
kết quả công bố. Tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng cần có biện
pháp quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở cung cấp cây giống trên địa bàn
tỉnh nhằm tránh thiệt hại cho bà con trồng điều.
Diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh
chủ yếu được nông dân trồng bằng hạt nên gặp thời tiết diễn biến thất
thường khiến cho năng suất điều không cao. Vì thế, tỉnh Bình Phước định
hướng phát triển cây điều đến năm 2020 sẽ tái canh 25.000 ha và thâm
canh hơn 41.000 ha, với kinh phí đầu tư thâm canh 10 triệu đồng/ha và
tái canh 20 triệu đồng/ha nên còn gặp nhiều khó khăn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét